
Lòng có đầy, miệng mới nói ra.
BÀI ĐỌC 1: Hc 27,4-7
Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng.
Bài trích sách Huấn ca.
4Sàng rồi, trấu ở lại sàng,
nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay.
5Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,
nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.
6Xem quả thì biết vườn cây,
nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.
7Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:
muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.
ĐÁP CA: Tv 91,2-3.13-14.15-16 (Đ. x. c.2a)
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
2Thú vị thay được tạ ơn Chúa,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,3được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
13Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng14được trồng nơi nhà Chúa,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta ;
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
15Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,16để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,54-58
Thiên Chúa đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
54 Thưa anh em, khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! 55 Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi ? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ? 56 Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. 57 Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
58 Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.
Tin mừng: Lc 6, 39-45
39 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ?
40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.
41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?
42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!
43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.
44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!
45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 8 Thường Niên năm C
WHĐ (27/02/2025) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 8 Thường Niên năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
NỘI DUNG CHÍNH
Số 2563: Trái tim là nơi ở của chân lý
Số 1755-1756: Hành vi tốt và hành vi xấu
Số 1783-1794: Huấn luyện lương tâm và việc ra quyết định
Số 2690: Việc linh hướng
Số 1009-1013: Quan điểm của Kitô giáo về sự chết
Bài Ðọc I: Hc 27, 5-8
Bài Ðọc II: 1Cr 15, 54-58
Phúc Âm: Lc 6, 39-45
Số 2563: Trái tim là nơi ở của chân lý
Số 2563. Trái tim là nơi ta ở, nơi ta cư ngụ (theo cách nói của người Sêmít hay của Thánh Kinh: nơi ta “bước xuống”). Trái tim là nơi thầm kín của chúng ta mà lý trí của chúng ta cũng như của kẻ khác không thể thấu hiểu được; chỉ có Thần Khí Thiên Chúa có thể thăm dò và biết được nó. Trái tim là nơi diễn ra quyết định, trong cõi sâu thẳm nhất của các xu hướng tâm thần của chúng ta. Đó là nơi của chân lý, nơi chúng ta chọn lựa giữa sự sống và sự chết. Đó cũng chính là nơi để gặp gỡ, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta sống (là sống) trong tương quan: trái tim là nơi của giao ước.
Số 1755-1756: Hành vi tốt và hành vi xấu
Số 1755. Một hành vi tốt về mặt luân lý đồng thời giả thiết đối tượng, mục đích và các hoàn cảnh đều phải tốt. Mục đích xấu làm hư hoại hành động, mặc dù đối tượng của hành động tự nó là tốt (như cầu nguyện và ăn chay để được người ta trông thấy).
Đối tượng được lựa chọn có thể một mình nó làm cho toàn bộ hành động trở nên xấu. Có những hành động cụ thể – như tội tà dâm – mà việc lựa chọn chúng là luôn luôn sai lầm, bởi vì việc lựa chọn chúng đã bao hàm một sự lệch lạc của ý chí, nghĩa là, một điều xấu luân lý.
Số 1756. Vì vậy, là sai lầm, nếu thẩm định tính luân lý của các hành vi nhân linh, mà chỉ quan tâm đến ý hướng gợi hứng cho các hành vi đó, hoặc các hoàn cảnh như là “sân khấu” của các hành vi đó (môi trường, áp lực xã hội, sự cưỡng bách hoặc nhu cầu phải hành động…). Có những hành vi, tự nó và trong nó, hoàn toàn độc lập khỏi các hoàn cảnh và các ý hướng, luôn là bất hợp pháp một cách nghiêm trọng do đối tượng của chúng; chẳng hạn lộng ngôn và thề gian, sát nhân và ngoại tình. Không được phép làm điều xấu, để từ đó đạt tới điều tốt.
Số 1783-1794: Huấn luyện lương tâm và việc ra quyết định
Số 1783. Lương tâm phải được trở nên vững chắc hơn và sự phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt thì ngay chính và chân thật. Nó sẽ đưa ra những phán đoán theo lý trí, phù hợp với điều thiện đích thực mà Đấng Tạo Hoá khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm là cần thiết cho con người, vì họ đang bị chi phối bởi các ảnh hưởng tiêu cực và bị cám dỗ bởi tội lỗi, nên thích làm theo ý riêng hơn và khước từ những đạo lý được đưa ra một cách có thẩm quyền.
Số 1784. Việc giáo dục lương tâm là nhiệm vụ của cả cuộc đời. Ngay từ những năm đầu tiên, việc giáo dục gợi lên cho trẻ em sự nhận biết và thực hành luật nội tâm được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục khôn ngoan dạy nhân đức; đề phòng và chữa lành con người khỏi sợ hãi, khỏi yêu mình cách mù quáng (“tính ích kỷ”) và khỏi kiêu căng, khỏi những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, phát sinh từ sự yếu đuối và những lỗi lầm của con người. Việc giáo dục lương tâm bảo đảm cho sự tự do và tạo nên sự bình an trong trái tim.
Số 1785. Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chúng ta phải thấm nhuần Lời Chúa vào trong đức tin và kinh nguyện, và phải đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải kiểm điểm lương tâm bằng cách nhìn lên thập giá của Chúa. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chúng ta còn được giúp đỡ bởi lời chứng và lời khuyên nhủ của những người khác và được hướng dẫn bởi đạo lý của Hội Thánh được đưa ra một cách có thẩm quyền[1].
Lựa chọn theo lương tâm
Số 1786. Lương tâm, đứng trước một lựa chọn luân lý, có thể đưa ra, hoặc một phán đoán ngay chính phù hợp với lý trí và Lề luật thần linh, hoặc trái lại, một phán đoán sai lầm, xa rời lý trí và Lề luật thần linh.
Số 1787. Con người đôi khi gặp những hoàn cảnh làm cho phán đoán luân lý không được chắc chắn và khó quyết định. Tuy nhiên, họ phải luôn tìm kiếm điều đúng và tốt, và phân định ra thánh ý của Thiên Chúa được diễn tả trong Lề luật thần linh.
Số 1788. Để đạt được điều này, con người phải cố gắng giải thích các dữ kiện của kinh nghiệm và các dấu chỉ thời đại, nhờ đức khôn ngoan, nhờ những lời khuyên bảo của những người khôn ngoan và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và của các hồng ân của Ngài.
Số 1789. Một số quy tắc được áp dụng trong mọi trường hợp:
– Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.
– “Khuôn vàng thước ngọc”: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)[2].
– Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8,12). “Tốt nhất là … tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).
Phán đoán sai lầm
Số 1790. Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán đó, con người tự kết án chính mình. Nhưng có thể lương tâm ở trong tình trạng thiếu hiểu biết, và đưa ra những phán đoán sai lầm về các hành vi phải làm hoặc đã làm.
Số 1791. Sự thiếu hiểu biết này thường có thể được quy cho trách nhiệm cá vị. Điều đó xảy ra, “khi con người ít lo tìm kiếm điều thật và điều tốt, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần hầu như bị mù quáng”[3]. Trong các trường hợp đó, nhân vị bị quy tội vì điều xấu nó đã làm.
Số 1792. Sự thiếu hiểu biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người, các gương xấu của kẻ khác, sự nô lệ các đam mê, việc đòi hỏi một sự tự lập hiểu theo nghĩa xấu về lương tâm, việc khước từ thẩm quyền và đạo lý của Hội Thánh, sư thiếu hối cải và bác ái… có thể là nguồn gốc của những lệch lạc của phán đoán trong thái độ luân lý.
Số 1793. Trái lại, nếu sự thiếu hiểu biết là không thể vượt thắng được, hoặc nếu phán đoán sai lầm không do trách nhiệm của chủ thể luân lý, thì nhân vị không thể bị quy tội về điều xấu nó đã làm. Tuy nhiên, điều xấu ấy vẫn là một điều xấu, một khiếm khuyết, một sự vô trật tự. Vậy cần thiết là phải làm sao để lương tâm được sửa chữa khỏi những sai lầm của nó.
Số 1794. Lương tâm tốt và trong sạch được soi sáng bởi đức tin chân thật. Vì đức mến xuất phát đồng thời từ “tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1 Tm 1,5)[4].
“Lương tâm ngay thẳng càng chiếm ưu thế thì các nhân vị và các tập thể càng tránh được sự quyết định mù quáng và càng nỗ lực sống phù hợp với những quy định khách quan của luân lý”[5].
Số 2690: Việc linh hướng
Số 2690. Chúa Thánh Thần ban cho một số tín hữu các ơn khôn ngoan, đức tin và khả năng phân định nhằm phục vụ lợi ích chung là việc cầu nguyện (việc linh hướng). Những người nam cũng như nữ được phúc nhận các ơn này là những thừa tác viên đích thực trong truyền thống sống động của việc cầu nguyện:
Vì vậy, linh hồn nào muốn tiến lên trong sự hoàn thiện, theo lời khuyên của thánh Gioan Thánh Giá, “phải xem xét kỹ khi chọn vị linh hướng, vì thầy nào trò nấy, cha nào con nấy”. Ngài còn nói: “Vị linh hướng không phải chỉ thông thái và khôn ngoan, nhưng còn phải có kinh nghiệm…. Nếu vị linh hướng không có kinh nghiệm về một tinh thần trong sạch và chân thật, thì không biết dẫn dắt linh hồn về tinh thần đó, khi Thiên Chúa ban điều đó cho người này, và vị linh hướng cũng không hiểu được điều đó”[6].
Số 1009-1013: Quan điểm của Kitô giáo về sự chết
Số 1009. Sự chết được Đức Kitô biến đổi. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết[7], đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành[8].
Ý nghĩa của sự chết theo Kitô giáo
Số 1010. Nhờ Đức Kitô, sự chết theo Kitô giáo có một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết [với Người], ta sẽ cùng sống [với Người]” (2 Tm 2,11). Sự mới mẻ chủ yếu của cái chết theo Kitô giáo là điều này: nhờ Phép Rửa, Kitô hữu đã “chết với Đức Kitô” một cách bí tích, để sống một đời sống mới; nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết thể lý sẽ hoàn tất việc “chết với Đức Kitô” đó, và như vậy nó hoàn thành việc tháp nhập chúng ta vào Người trong hành vi cứu chuộc của Người:
“Tôi thà chết trong Đức Kitô Giêsu, hơn là cai trị toàn cõi trái đất. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã phục sinh vì chúng ta. Giờ tôi được sinh ra đã đến gần. … Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền; khi tôi tới được đó, tôi sẽ là một con người”[9].
Số 1011. Trong sự chết Thiên Chúa kêu gọi con người đến với Ngài. Vì vậy, đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước giống như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23); và họ có thể biến đổi cái chết riêng của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha theo gương Đức Kitô[10]:
“Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ơ trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”[11].
“Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”[12].
“Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”[13].
Số 1012. Cái nhìn của Kitô giáo về sự chết[14] được diễn tả một cách rõ ràng trong phụng vụ của Hội Thánh:
“Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”[15].
Số 1013. Sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, là kết thúc thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và để họ quyết định số phận tối hậu của mình. “Sau khi kết thúc dòng đời duy nhất là cuộc đời trần thế của chúng ta”[16], chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc đời trần thế khác. “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Không có việc “đầu thai” (“reincarnatio”) sau khi chết.